Hệ thống xử lý nước thải rỉ rác
-
Mô tả
-
Tab tùy chỉnh
-
Nhận xét
Lê Nguyễn chuyên cung cấp dịch vụ thi công xây lắp các trạm xử lý nước thải rỉ rác:
1. Đặc trưng ô nhiễm của nước rác
Nước thải tại các bãi rác thải sinh hoạt ở Việt Nam được đóng góp bởi các nguồn sau:
- Nước mặt chảy tràn, nước rửa vệ sinh khu vực thu gom rác thải.
- Một phần nước mưa xâm nhập.
- Độ ẩm tự có trong rác khi chôn lấp.
- Nước hình thành từ các quá trình phản ứng trong bãi ủ.
Các thông số đánh giá đặc trưng nước rác bao gồm:
- Chất hữu cơ: được đặc trưng bởi thông số: COD, BOD. Tỷ lệ giữa hai thành phần này phụ thuộc vào nguồn nước pha loãng trong bãi rác, mức độ phân hủy trong bãi rác càng cao thì tỷ lệ này càng lớn. Nồng độ chất hữu cơ biến động mạnh, thấp về mùa mưa và cao về mùa khô. Hàm lượng BOD = 100 - 150 mgO2/l; COD = 600 - 750 mgO2/l.
- Các hợp chất chứa nitơ: Trong nước rác, nitơ tồn tại trong các hợp chất hữu cơ, amoni, nitrit, nitrat (do amoni chuyển hóa một phần khi lưu nước rác trong hồ), trong tế bào vi sinh. Hàm lượng amoni trong nước rác ở các bãi rác có khoảng dao động rất lớn (từ vài chục cho tới trên 1000 mg/l). Sự biến đổi nồng độ amoni trong nước rác phụ thuộc vào mức độ pha loãng do nước mưa, mức độ phân hủy của nước rác (mức độ phân hủy càng cao thì hàm tỷ lệ amoni so với TKN càng cao) . Nồng độ nitrit và nitrat trong bãi rác thấp do không có đủ điều kiện để ôxy hóa, nhưng khi tồn tại trong hồ chứa thì đủ điều kiện để chuyển hóa thành nitrit, nitrat và tích lũy trong sinh khối. Lượng nitơ trong hồ điều hòa của bãi rác có thể biến đổi qua các dạng tồn tại trên, song do không tách bỏ được sinh khối nên hầu như tổng hàm lượng nitơ được bơm vào hệ thống xử lý nước thải là nguyên vẹn, không thay đổi nhiều. NH4 = 200 - 250 mgN/l; T-N Kjeldahl = 250 - 300 mg/l.
- pH và độ kiềm: Giá trị pH thông thường nằm trong khoảng 7,0 – 8,6. Về mùa khô, pH cao hơn mùa mưa, nguyên nhân do: độ kiềm cao, hoạt động mạnh của tảo tại các hồ chứa nước rác. Độ kiềm trong nước rác gây ra chủ yếu bởi thành phần bicarbonat, giá trị này trong các hồ chứa nước rác thường cao và có khoảng giao động lớn tùy theo từng bãi rác.
- Cặn không tan: thông thường, lượng cặn không tan trong nước rác nằm trong khoảng 100 – 200mg/l. Nguyên nhân gây ra thành phần này chủ yếu là chất hữu cơ từ xác vi sinh vật và tảo. Do có màu tối nên có khả năng gây ra độ đục lớn, do nhẹ nên khả năng lắng kém, gây bất lợi cho quá trình quang hợp của thủy thực vật trong hồ chứa.
- Hợp chất photpho: Gía trị này trong nước rác thường không cao, chỉ ngang với mức độ trong nước thải sinh hoạt.
- Độ màu: độ màu trong nước rác gây nên bởi thành phần các chất hữu cơ (loại khó sinh hủy) và cặn. Các chất hữu cơ khó sinh hủy được tạo ra từ trong bãi chôn lấp rác, là sản phẩm của các quá trình phân hủy rác. Thành phần cặn trong nước rác chủ yếu bao gồm tảo và xác vi sinh vật (có màu tối). Độ mầu từ 100 - 150.
Sơ đồ công nghệ hệ thống xử lý nước thải
Nội dung hệ thống xử lý bao gồm:
- Bể điều hòa: Bể có chức năng thu gom toàn bộ các nguồn nước thải (nước thải bãi rác, nước thải sinh hoạt) và dung hòa hàm lượng các chất ô nhiễm trước khi đưa vào các đơn vị xử lý tiếp theo.
- Điều chỉnh pH: pH được điều chỉnh thích hợp cho quá trình keo tụ để lắng, loải bỏ thành phần cặn trong nước rác. Giá trị pH trong nước thải thường dao động từ 8 - 8,5, do đó nếu sử dụng hóa chất bằng phèn nhôm có thể không cần hạ pH.
- Bể khuấy keo tụ: sử dụng khí sục để khuấy nhằm mục địch giảm thiểu hiệu ứng bùn nổi do khí CO2 trong nước thoát ra, đặc biệt trong trường hợp sử dụng phèn nhôm làm chất keo tụ. Tại đây, hóa chất keo tụ được châm vào và khuấy trộn đều trước khi dẫn sang bể lắng sơ cấp.
- Bể lắng sơ cấp: Loại bỏ các thành phần cặn lơ lửng trong nước thải trước khi qua đơn vị xử lý tiếp theo.
- Bể tăng pH (tháp Stripping) loại bỏ amoni ở dạng amoniac (NH3): Bể được thiết kế làm mới dạng thiết bị xử lý bằng thép inox. Nước sau khi được dùng hóa chất (Xút hoặc vôi) điều chỉnh tăng pH lên trên 9,5 sau đó được cấp khí ngược nhằm loại bỏ thành phần amoniac làm giảm hàm lượng amoni trong nguồn thải trước khi vào các đơn vị xử lý phía sau. Nước sau khi qua bể được điều chỉnh pH về môi trường trung tính. Amoniac sau khi được loại bỏ sẽ thu hồi dưới dạng amoniclorua hoặc loại bỏ khí (nếu khu vực xung quanh rộng, không có dân cư).
- Bể vi sinh hiếu khí, thiếu khí: Được xây dựng thành khối bể hỗn hợp hiếu khí, thiếu khí sử dụng kỹ thuật MBBR (màng vi sinh chuyển động – Moving bed biofilm reator). Bể được xây dựng thành nhiều vách ngăn theo thiết kế, chia thành các khối tích phản ứng sinh hóa cần thiết; lắp đặt hệ thống phân phối khí dạng đĩa; lắp đặt động cơ khuấy trộn cho 03 ngăn thiếu khí; lắp đặt các tấm ngăn vật liệu mang vi sinh.
Kỹ thuật xử lý vi sinh MBBR (Moving bed biofilm reactor):
Công nghệ xử lý nước thải đề xuất áp dụng là công nghệ mới - công nghệ màng vi sinh chuyển động (Moving Bed Biofilm Reactor, MBBR). Công nghệ này thực hiện được sự phối hợp giữa kỹ thuật huyền phù (vi sinh vật phân bố đều trong môi trường nước) và màng vi sinh vật (vi sinh vật tạo thành lớp màng trên chất mang) với mật độ chất mang chiếm 20 – 35 % thể tích của khối phản ứng nhằm tăng cường mật độ vi sinh trong một đơn vị thể tích của bể phản ứng - tăng hiệu quả xử lý. Để tăng cường quá trình chuyển khối (tiết kiệm dung tích bể xử lý), hệ xử lý được thiết kế với kỹ thuật màng vi sinh chuyển động trong nước khi hệ thống cấp khí hoạt động.
Ưu điểm vượt trội của công nghệ xử lý nước thải ‘màng vi sinh chuyển động – MBBR ’ sử dụng loại vật liệu mang trên có thể khử nitrat ngay trong bể hiếu khí (mà EBARA không tạo được) do lợi dụng đặc điểm tình trạng thiếu oxy phía bên trong vật liệu và quá trình khuyếch tán của nitrat trong nước nhanh hơn của oxy.
Kết hợp quá trình khử nitrat và sử dụng công nghệ MBBR cho phép tiết kiệm được khoảng 50 - 60 % thể tích của bể xử lý hiếu khí và thiếu khí so với công nghệ truyền thống (bùn hoạt tính) và giảm được lượng bùn thải (15 – 20 %).
- Bể lắng thứ cấp: Được xây dựng mới. Trong bể lắng có bổ sung ống phân phối nước trung tâm; xây dựng côn thu bùn, máng thu nước trong miệng bể; lắp đặt bơm hút bùn.
- Cụm bể phản ứng phenton: Bể được xây dựng gồm 4 ngăn phản ứng riêng biệt. Các bể chứa nước thải vận hành trong điều kiện pH thấp cần phải được phủ, bọc vật liệu cần thiết để tránh hiện tượng ăn mòn do axit.
- Bể lắng phenton: Xây dựng mới nhằm loại bỏ cặn vi sinh và cặn kết tủa sau quá trình fenton phía trước.
- Các bình, bồn pha hóa chất: Được sử dụng bồn nhựa 3 lớp tránh ăn mòn khi pha các loại hóa chất.